Ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ, trong đó có một số quy định hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nhận chuyển giao, đổi mới công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Theo quy định tại Nghị định, để được hỗ trợ trong việc nhận chuyển giao công nghệ từ tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện sau: Có dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư; Có hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ (nếu thuộc đối tượng phải đăng ký chuyển giao công nghệ); Công nghệ được chuyển giao thuộc dự án thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp bao gồm: Cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay để thực hiện chuyển giao công nghệ và Hỗ trợ kinh phí thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ hoặc hỗ trợ trực tiếp. Nguồn kinh phí hỗ trợ sẽ được bố trí từ các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia; quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; nguồn ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ và kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác hoặc từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; nguồn ngân sách nhà nước dành cho khoa học và công nghệ và kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác tùy thuộc vào từng loại hình hỗ trợ.
Bên cạnh đó, nhằm hướng dẫn cho doanh nghiệp sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, Nghị định cũng quy định về nội dung hoạt động đầu tư của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, bao gồm: Đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; Đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Giải mã công nghệ, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động giải mã công nghệ; Thuê tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài để tư vấn, quản lý hoạt động đầu tư của quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo hợp đồng giữa các bên. Hoạt động đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo được thực hiện theo các hình thức sau: Góp vốn thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; Góp vốn vào quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; Hợp tác kinh doanh. Hoạt động đầu tư, đối ứng vốn đầu tư trên được thực hiện trong lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp và tuân theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và quy định pháp luật khác có liên quan. Doanh nghiệp nhà nước thực hiện các hoạt động đầu tư đó phải tuân theo quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nghị định cũng đưa ra các quy định nhằm khuyến khích hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ quan, tổ chức, cá nhân để triển khai các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, hoạt động nghiên cứu chung. Một số ưu đãi doanh nghiệp được hưởng khi hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân để triển khai dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ như: Được ưu tiên đầu tư vào khu công nghệ cao đối với các dự án đáp ứng điều kiện về lĩnh vực công nghệ cao; Được hỗ trợ kinh phí sửa chữa và sử dụng, khai thác cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung với mức giá ưu đãi cho hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp sáng tạo; đầu tư trang thiết bị dùng chung cho hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp sáng tạo; lắp đặt hạ tầng công nghệ thông tin.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất – kỹ thuật cho hoạt động giải mã công nghệ, tổ chức, cá nhân thực hiện việc giải mã công nghệ cũng được quy định cụ thể trong Nghị định. Doanh nghiệp thực hiện một trong các hoạt động đầu tư cơ sở vật chất – kỹ thuật cho hoạt động giải mã công nghệ được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ: Hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ lãi suất vay vốn từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, tổ chức tín dụng; Được ưu tiên đầu tư vào khu công nghệ cao.
Nguồn: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/Default.aspx?tabid=91&ArticleID=3278&language=vi-VN