“Chính quyền thành phố Đà Nẵng xác định Nhật Bản là đối tác quan trọng cần tập trung thu hút đầu tư, do vậy làm thế nào để tăng sức hấp dẫn của thành phố đối với các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn là một điều trăn trở của chính quyền thành phố. Đà Nẵng sẽ không ngừng nỗ lực và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thật sự hài lòng khi đầu tư và sinh sống tại đây” – đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh tại buổi “Đối thoại với Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản – Chi hội Đà Nẵng (JBAD) năm 2016” vào ngày 22-9.
Buổi đối thoại là diễn đàn để chính quyền thành phố gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm lắng nghe và giải quyết những kiến nghị, vướng mắc và đề xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản, qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển và đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI Nhật Bản vào Đà Nẵng trong thời gian đến.
Tại buổi đối thoại, các DN Nhật Bản đã phản ánh nhiều vướng mắc liên quan các lĩnh vực đất đai, quy hoạch, cơ sở hạ tầng; thủ tục hành chính, chính sách pháp luật; lao động và có nhiều góp ý khác mong muốn Đà Nẵng sớm tháo gỡ nhằm tạo thuận lợi cho các DN Nhật Bản tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Ông Moriyuki Hosokawa, Tổng giám đốc công ty TNHH Đà Nẵng Nippon Seiki (Đà Nẵng), đại diện cho nhiều doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản cho biết, công tác ứng phó với các sự cố đường truyền và truyền thông còn yếu cũng như không hài lòng về chất lượng phục vụ của các nhà cung cấp mạng viễn thông internet tại Đà Nẵng.
Trả lời nội dung này, lãnh đạo sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết đã kiểm tra vấn đề và yêu cầu các đơn vị cung cấp mạng viễn thông xem xét lại trách nhiệm cung ứng dịch vụ, và yêu cầu rút gọn thời gian trả lời, giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp trong vòng 7 giờ đồng hồ.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cũng cho biết Đà Nẵng là một trong ba thành phố có hạ tầng công nghệ, đường truyền dẫn với tốc độ cao rất thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động CNTT. Thành phố cũng xác định CNTT là ngành công nghiệp mũi nhọn nên nhất định phải có sự đầu tư hạ tầng và dịch vụ tốt hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Việc thiếu hụt trầm trọng nhân lực CNTT biết tiếng Nhật, phiên dịch viên tiếng Nhật cũng là vấn đề mà nhiều DN Nhật quan tâm. Phía Nhật Bản cho rằng, đó là một trong những trở ngại trong việc chuyển giao công nghệ mới từ Nhật sang Việt Nam và đề nghị thành phố có cơ chế hỗ trợ đào tạo tiếng Nhật từ cấp cơ sở để phục vụ cho tương lai.
Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh đề nghị DN Nhật có kế hoạch hỗ trợ cho ĐH Đà Nẵng đào tạo ngay từ đầu một số ngành mà DN Nhật quan tâm; đồng thời có đăng ký nhu cầu tuyển dụng hằng năm với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để thành phố chủ động trong việc đưa ra kế hoạch đào tạo.
Ông Tatsumi Niwa, Chủ tịch HĐQT Công ty Niwa Foundry Nhật Bản, Ủy viên Chi hội DN Nhật Bản tại Đà Nẵng cho rằng, thiếu hụt nhà ở dành cho công nhân, khu nhà trẻ, mẫu giáo trong khu công nghiệp, khiến nhiều lao động nữ phải nghỉ làm trông con, dẫn đến việc doanh nghiệp không đảm bảo được nguồn lao động.
Về vấn đề này, đại diện UBND quận Liên Chiểu cho biết: từ nay đến cuối quý 2- 2017, có ít nhất 2 nhà trẻ ở gần 2 KCN Hòa Khánh, Liên Chiểu đi vào hoạt động. Trước mắt, đang triển khai Trung tâm chăm sóc và giáo dục OneSky do tổ chức Half the Sky Foundatinon tài trợ với diện tích rộng 3.600 m2 tại khu dân cư Hồng Phước (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) dành cho con em của những công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, dự kiến sẽ đưa vào phục vụ niên khóa 2017-2018.
Nhà ở công nhân đã được thành phố quy hoạch thành 3 giai đoạn, từ 2017 – 2020. Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho công nhân, thành phố sẽ thực hiện chuyển đổi công năng một phần KTX sinh viên phía Tây thành phố sang nhà ở công nhân, đồng thời tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn bổ sung xây thêm nhà chung cư, khu siêu thị, nhà trẻ cho công nhân tại các KCN.
Đại diện Công ty Foster, Tokyo Keiki đề nghị chính quyền thành phố đẩy nhanh tiến độ để đưa con đường Nguyễn Tất Thành nối dài, vì đây là một trong những nhân tố quyết định đến việc thu hút nhiều DN Nhật khác đến đầu tư tại KCNC cũng như việc tuyển dụng nhân công dễ dàng.
Trả lời vấn đề này, đại diện Ban Quản lý cơ sở hạ tầng ưu tiên cho biết, tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài theo kế hoạch phải hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 7/2016, tuy nhiên do việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều trở ngại nên tiến độ thi công bị chậm. Chính quyền thành phố cam kết sẽ hoàn thành tuyến đường vào ngày 29/3/2017.
UBND thành phố cũng thông tin cụ thể tới các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đầu tư về Dự án Cảng Liên Chiểu; Tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây 2 nối từ Cảng Tiên Sa sang vùng cao nguyên Boloven (Lào) rồi nối tiếp Chongmek – Nakhon – Bangkok (Thái Lan).
Để Đà Nẵng không gặp các vấn đề như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các DN Nhật cũng đề nghị thành phố Đà Nẵng chú trọng đưa ra các chính sách cải thiện tình hình tắc nghẽn giao thông và văn hóa tham gia giao thông. Trả lời nội dung này, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, thời gian qua công tác đảm bảo trật tự ATGT được Lãnh đạo thành phố quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, huy động sự vào cuộc các các cấp, các ngành, nhiều giải pháp đưa vào thực hiện nhằm khắc phục ùn tắc giao thông, xây dựng văn hóa giao thông đã đạt được một số kết quả nhất định, được người dân đồng tình ủng hộ. Năm 2018, thành phố sẽ đầu tư và đưa vào khai thác hệ thống xe buýt nhanh BRT góp phần khắc phục ùn tắc giao thông. Thành phố cũng đã ban hành nhiều chương trình hành động như “Thành phố 4 an”, “Năm văn hóa văn minh đô thị” nhằm cải thiện văn hóa tham gia giao thông. Nghị định 46/2016/NĐ-CP cũng bổ sung xử phạt hành vi vượt qua dải phân cách.
Liên quan đến các kiến nghị về cải cách TTHC, chính sách pháp luật hay cải thiện phong cách tiếp xúc với khách hàng, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cho biết, ngoài việc cam kết sẽ cắt giảm 30 thủ tục hành chính trong năm nay, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Nội vụ rà soát để tiếp tục cắt giảm các thủ tục không cần thiết tại các sở, ngành, địa phương để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. UBND thành phố cũng có nhiều bản cam kết với các nội dung nhằm tạo thuận lợi tối đa cho DN trong việc giải quyết thủ tục hành chính, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng; đã ban hành quy chế xử lý vướng mắc của DN vào tháng 9-2016 và tất cả các nội dung trả lời thắc mắc của doanh nghiệp được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử thành phố (danang.gov.vn).
Một số đề xuất, kiến nghị của các DN Nhật Bản về ô nhiễm tiếng ồn, tình trạng ngập úng, cải thiện tình trạng vệ sinh tại các bệnh viện, phát triển các tuyến đường ưu tiên dành cho người đi bộ và du khách, cấp phép cho lao động nước ngoài…cũng được Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh và các sở, ban, ngành liên quan tiếp thu với tinh thần cầu thị, có những giải trình cụ thể cũng như đưa ra các cam kết về lộ trình, thời hạn giải quyết dứt điểm các vướng mắc đang tồn tại.
Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, lũy kế đến tháng 9 năm 2016, Đà Nẵng thu hút được 423 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt gần 3,68 tỷ USD. Riêng trong năm 2015, doanh thu của các doanh nghiệp FDI ước đạt 776 triệu USD, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 522 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước ước đạt 112 triệu USD, tăng 1,42 lần so với năm 2014.
Trong đó, Nhật Bản là quốc gia có số dự án đầu tư lớn nhất tại Đà Nẵng với 112 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 397 triệu USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư trên toàn thành phố, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin và truyền thông. Các doanh nghiệp đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 30 ngàn lao động địa phương và các tỉnh lân cận.
Nguồn: Danang.gov.vn