Hướng dẫn mới về ưu đãi thuế nhập khẩu; Quy định mới về thời hạn giải quyết việc hoàn thuế GTGT; Quy định mới về mức phạt đối với vi phạm về niêm yết giá, phí, lệ phí, hóa đơn; Giảm mức phạt tiền với hành vi làm mất hóa đơn; Xử phạt trường hợp tự phát hiện khai sai thuế; Phạt 4 triệu đồng nếu doanh nghiệp đặt in hóa đơn khi chưa đủ điều kiện là những chính sách mới về thuế có hiệu lực từ tháng 8/2016.
Hướng dẫn mới về ưu đãi thuế nhập khẩu
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 83/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện ưu đãi đầu tư quy định tại Luật đầu tư và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP .
Theo đó, dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư quy định tại mục A Phụ lục I hoặc thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Phụ lục II Nghị định số 118/2015/NĐ-CP được áp dụng ưu đãi thuế nhập khẩu như sau:
– Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định theo quy định tại Khoản 6, Khoản 8 Điều 12 Nghị định số 87/2010/NĐ-CP .
– Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư (trừ những dự án sản xuất không được ưu đãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ) được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bắt đầu sản xuất.
Ngoài ra, Thông tư số 83/2016/TT-BTC còn hướng dẫn các trường hợp được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Quy định mới về thời hạn giải quyết việc hoàn thuế GTGT
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 99/2016/TT-BTC ngày 29/6/2016 hướng dẫn quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Theo đó, thời hạn giải quyết việc hoàn thuế GTGT được thực hiện như sau:
Đối với hồ sơ hoàn thuế (HSHT) thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau: nếu HSHT không thuộc đối tượng và trường hợp được hoàn hoặc chưa đủ thông tin để xác định thì cơ quan thuế (CQT) gửi thông báo cho người nộp thuế (NNT) trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ HSHT. Nếu đủ điều kiện hoàn thuế thì CQT ban hành quyết định hoàn thuế trong thời hạn không quá 06 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ HSHT.
Đối với HSHT thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau: CQT tiến hành kiểm tra tại trụ sở NNT và ban hành quyết định hoàn thuế trong thời hạn không quá 40 ngày, kể từ ngày nhận đủ HSHT.
Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh chi hoàn thuế cho NNT chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước, Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ khoản thu ngân sách do CQT chuyển đến.
Thông tư số 99/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 13/8/2016 và thay thế Thông tư số 94/2010/TT-BTC, Quyết định số 2404/QĐ-BTC, Thông tư số 150/2013/TT-BTC.
Quy định mới về mức phạt đối với vi phạm về niêm yết giá, phí, lệ phí, hóa đơn
Nghị định số 49/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 109/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn có một số nội dung mới nổi bật như:
Tăng mức phạt đối với hành vi không niêm yết giá, trường hợp vi phạm lần đầu sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (theo Nghị định 109 là phạt cảnh cáo); vi phạm nhiều lần, tái phạm bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (mức phạt hiện hành là từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng).
Tăng mức phạt tiền đối với nhiều hành vi vi phạm về phí, lệ phí, cụ thể: phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không công khai chế độ thu phí, lệ phí theo quy định. Đối với hành vi thu phí không đúng sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến dưới 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm có số tiền vi phạm đến dưới 10.000.000 đồng; phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm có số tiền vi phạm từ 10.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng; phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến dưới 7.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm có số tiền vi phạm từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
Ngoài ra, hành vi thu phí không đúng sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng kể từ ngày Quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành.
Giảm mức phạt tiền với hành vi làm mất hóa đơn
Theo quy định mới tại Nghị định số 49/2016/NĐ-CP, hành vi làm mất hóa đơn sẽ chịu mức phạt tiền thấp hơn so với quy định hiện hành tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, cụ thể:
Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu làm mất hóa đơn trong các trường hợp: đã phát hành nhưng chưa lập; đã lập nhưng khách hàng chưa nhận được hóa đơn; đã lập theo bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp mất hóa đơn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng khác thì không bị xử phạt tiền.
Xử phạt trường hợp tự phát hiện khai sai thuế
Đây là nội dung mới được nêu tại Nghị định số 45/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01/8/2016.
Theo đó, người nộp thuế không khai hoặc khai sai về tên hàng, chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, trị giá, mã số hàng hóa, thuế suất, mức thuế, xuất xứ hàng hóa trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhưng đã tự phát hiện và khai bổ sung hồ sơ khai thuế trước thời điểm thông quan hàng hóa vẫn sẽ bị phạt 10% số tiền thuế khai thiếu.
Phạt 4 triệu đồng nếu doanh nghiệp đặt in hóa đơn khi chưa đủ điều kiện
Theo quy định mới tại Nghị định số 49/2016/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi đặt in hóa đơn mà không ký hợp đồng bằng văn bản sẽ là 500.000 đồng – 1.500.000 đồng (mức phạt cũ là 2.000.000 đồng – 4.000.000 đồng).
Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp đặt in hóa đơn khi cơ quan thuế đã có văn bản thông báo tổ chức, doanh nghiệp đó không đủ điều kiện đặt in hóa đơn sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng – 4.000.000 đồng; đồng thời buộc phải hủy các hóa đơn đã đặt in không đúng quy định.
Cá nhân không thông báo bằng văn bản cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp phải thông báo giá; áp dụng mức giá kê khai, đăng ký không đúng thời hạn sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng – 5.000.000 đồng.