Bạn cần chuẩn bị gì khi thành lập chi nhánh? Để phù hợp hơn với tình hình kinh doanh của thị trường, khách hàng và chính bản thân doanh nghiệp, việc thành lập chi nhánh tại Đà Nẵng hoặc một tỉnh thành nào đó là điều hết sức bình thường, vậy chúng ta cần chuẩn bị gì khi thành lập chi nhánh?
Chuẩn bị hồ sơ
(Quy định tại Điều 33 Nghị định số 43/2010/NĐCP)
Thành phần hồ sơ thành lập chi nhánh
Thông báo lập chi nhánh tới Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi đặt chi nhánh. Nội dung thông báo gồm:
a) Mã số doanh nghiệp;
b) Tên và địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;
c) Tên chi nhánh dự định thành lập;
d) Địa chỉ trụ sở chi nhánh;
đ) Nội dung, phạm vi hoạt động của chi nhánh;
e) Họ, tên, nơi cư trú, số Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đứng đầu chi nhánh;
g) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
Quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của chủ sở hữu công ty hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh về việc thành lập chi nhánh;
Bản sao hợp lệ quyết định bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh;
Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người đứng đầu chi nhánh;
Đối với chi nhánh kinh doanh các ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề thì phải có thêm bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người đứng đầu chi nhánh hoặc của cá nhân khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Lưu ý: Mẫu Thông báo về việc lập chi nhánh quy định tại Phụ lục II8 Thông tư số 01/2013/TTBKHĐT.
Nộp và hoàn thiện hồ sơ
(Quy định tại Điều 33 Nghị định số 43/2010/NĐCP,Điều 11 Thông tư số 01/2013/TTBKHĐT và Phụ lục “Biểu mức thu phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp” tại Thông tư số 176/2013/TTBKHĐT)
Trình tự, thủ tục:
Cũng tương tự như khi thành lập công ty tại Đà Nẵng mới, doanh nghiệp thực hiện theo một trong các phương án sau:
Đăng ký trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh.
Đăng ký trực tuyến trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia (Xem Tài liệu hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử)
Trình tự thực hiện (đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp)
Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định.
Bước 2: Doanh nghiệp đến nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh
+ Người đại diện của doanh nghiệp nộp hồ sơ theo quy định tại Phòng Đăng ký kinh doanh Đà Nẵng hoặc phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, thành phố nơi chi nhánh hoạt động.
+ Doanh nghiệp nộp lệ phí Đăng ký kinh doanh là 100.000 đồng.
Bước 3: Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, trả Giấy biên nhận và giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp.
Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ của doanh nghiệp, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nhập thông tin vào Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia để yêu cầu mã số chi nhánh, sau đó cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh.
Trường hợp doanh nghiệp lập chi nhánh tại tỉnh, thành phố khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản tới Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để bổ sung vào hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Việc lập chi nhánh của doanh nghiệp ở nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật nước đó.
Trong thời hạn ba mươi ngày làm việc, kể từ ngày chính thức mở chi nhánh ở nước ngoài, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký. Kèm theo thông báo phải có bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh hoặc giấy tờ tương đương để bổ sung vào hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Nhận kết quả
(Quy định tại điều 25 Nghị định số 43/2010/NĐCP, và Điều 31 Thông tư số 01/2013/TTBKHĐT)
Đối với hồ sơ chưa hợp lệ cần bổ sung, doanh nghiệp thực hiện theo các bước như sau:
Doanh nghiệp nhận Thông báo bổ sung hồ sơ.
Doanh nghiệp điều chỉnh lại hồ sơ theo nội dung hướng dẫn trong thông báo bổ sung và nộp lại hồ sơ theo quy trình trên.
Đối với hồ sơ hợp lệ, được chấp thuận:
Nếu doanh nghiệp nộp hồ sơ bằng bản giấy tại phòng Đăng ký kinh doanh: Tới ngày hẹn trả kết quả, doanh nghiệp nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp nộp hồ đăng ký kinh doanh qua mạng mà không sử dụng chữ ký số công cộng: đến ngày hẹn trả kết quả, doanh nghiệp mang một bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy kèm theo Giấy biên nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đến Phòng Đăng ký kinh doanh và nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Lưu ý: Với trường hợp đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử không sử dụng chữ ký số công cộng, nếu quá thời hạn 30 ngày, kể từ ngày gửi thông báo về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà Phòng Đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ bằng bản giấy thì hồ sơ đăng ký điện tử của doanh nghiệp không còn hiệu lực.