Thứ nhất, doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ.
Theo khoản 1 Điều 141 Luật Doanh nghiệp có định nghĩa: “ Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp
Thứ hai, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân
Pháp nhân là một tổ chức thống nhất, độc lập, hợp pháp, có tài sản riêng và chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Xét từ các dấu hiệu pháp lý của thương nhân và tiêu chuẩn pháp lý của pháp nhân được quy định tại Điều 84 Bộ luật dân sự 2005:
“ Điều kiện của một tổ chức có tư cách pháp nhân là:
1. Được thành lập hợp pháp;
2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;
4. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.”.
Hiện nay ở nước ta, các thương nhân là pháp nhân chủ yếu bao gồm các loại hình sau đây: doanh nghiệp nhà nước; các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp tư nhân là loại hình doanh nghiệp duy nhất không có tư cách pháp nhân. Trước đây, Luật Doanh nghiệp không quy định tư cách pháp nhân cho doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh với lí do chủ yếu liên quan đến quan hệ vốn và tài sản giữa chủ doanh nghiệp tư nhân; các thành viên hợp danh và doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân cũng như công ty hợp danh không có sự độc lập về tài sản. Tiêu chuẩn đầu tiên để xét tính độc lập về tài sản của một doanh nghiệp là tài sản của doanh nghiệp đó phải độc lập trong quan hệ với tài sản của chủ doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân không thỏa mãn tiêu chuẩn quan trọng này, vì thế nó không thỏa mãn một trong các điều kiện cơ bản để có được tư cách pháp nhân.
Chính vì thế nên: doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ nên doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.