Cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong việc giải quyết thủ tục hành chính
Có hiệu lực kể từ ngày 21/6/2018, Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính quy định, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại bộ, cơ quan ngang bộ, tổng cục và tương đương, tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của cơ quan, đơn vị mình. Tại cấp tỉnh, huyện, xã, Trung tâm Phục vụ hành chính công hoặc bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của UBND cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, những thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc liên thông giải quyết của các cơ quan được tổ chức theo hệ thống ngành dọc tại địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành, của UBND cấp tỉnh, huyện, xã.
Các tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính thông qua các cách thức theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính gồm: Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa; Thông qua dịch vụ bưu chính công ích theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật; Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.
Mỗi hồ sơ thủ tục hành chính sau khi được tiếp nhận sẽ được cấp một Mã số hồ sơ được ghi trong Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả. Tổ chức, cá nhân sử dụng Mã số hồ sơ để tra cứu tình trạng giải quyết thủ tục hành chính tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.
Đầu tư theo hình thức đối tác công tư
Ngày 04/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiêp; Hàng hóa nhập khẩu để thực hiện thực án được hưởng ưu đãi theo quy định về thuế xuất, nhập khẩu. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án còn được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc được miễn hoặc được giảm tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án phù hợp với quy định về đất đai cùng các ưu đãi khác theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, Nghị định quy định giá, phí hàng hóa dịch vụ và các khoản thu từ dự án đối tác công tư phải đảm bảo lợi ích của 03 bên: Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án – Người sử dụng – Nhà nước, tạo điều kiện để nhà đầu tư thu hồi vốn và lợi nhuận. Khi điều chỉnh giá, phí và các khoản thu, doanh nghiệp dự án phải thông báo trước 30 ngày cho các đối tượng sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/06/2018.
Phát triển ngành nghề nông thôn
Theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/04/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn. Theo đó, đối tượng áp dụng tại Nghị định này là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngành nghề nông thôn bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình hoạt động theo quy định của pháp luật; các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định công nhận; các tổ chức, cá nhân có liên quan tới công tác quản lý ngành nghề nông thôn (cả trung ương và địa phương).
Cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quy định Nghị định này được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi hỗ trợ thuê tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở ngành nghề nông thôn các nội dung quy định. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 50 triệu đồng/cơ sở; chi 100% chi phí: Thuê mặt bằng trình diễn sản phẩm; tổ chức hội thi; ăn nghỉ, đi lại đối với nội dung quy định.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2018.
Thủ tục hải quan đối với một số trường hợp đặc thù
Có hiệu lực từ ngày 05/06/2018, Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/04/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan. Trong đó, bổ sung quy định thủ tục hải quan đối với một số trường hợp đặc thù.
Cụ thể, phương tiện vận tải vận chuyển hành khách tuyến cố định, thường xuyên xuất cảnh, nhập cảnh qua cùng một cửa khẩu theo giấy phép liên vận thì người điều khiển phương tiện chỉ phải khai hải quan phương tiện vận tải 01 lần trong thời hạn 30 ngày. Các lần xuất cảnh, nhập cảnh tiếp theo được cơ quan Hải quan cập nhật theo dõi bằng số hoặc bằng máy tính và thanh khoản tờ khai vào lần tái xuất hoặc tái nhập cuối cùng.
Đối với phương tiện vận tải gồm ô tô, mô tô, xe gắn máy của tổ chức, cá nhân nước thứ 3 không thuộc đối tượng điều chỉnh của điều ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam tham gia ký kết khi xuất cảnh hay nhập cảnh phải có văn bản cho phép hoặc chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam mới được giải quyết thủ tục hải quan.
Phương tiện vận tải của tổ chức, cá nhân của một số nước láng giềng ký kết Hiệp định vận tải song phương với Việt Nam đã làm thủ tục tạm nhập vào lãnh thổ Việt Nam, khi tái xuất sang lãnh thổ của một nước láng giềng khác có ký kết Hiệp định vận tải song phương với Việt Nam phải có văn bản cho phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Một số điều về kinh doanh Luật Dược
Ngày 12/4/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 07/2018/TT-BYT quy định chi tiết một số điều về kinh doanh dược của Luật dược và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.
Theo đó, trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động hoặc có sự thay đổi về người được cấp Chứng chỉ hành nghề dược đang hành nghề, cơ sở kinh doanh dược phải thông báo đến Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cơ sở kinh doanh dược hoạt động danh sách người có Chứng chỉ hành nghề dược đang hành nghề dược tại cơ sở.
Người giới thiệu thuốc phải là người có trình độ cao đẳng chuyên ngành y, dược trở lên; được cơ sở kinh doanh dược tuyển dụng và huấn luyện, đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn liên quan đến hoạt động giới thiệu thuốc và văn bản quy phạm pháp luật về dược.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2018.
Tiêu chí xác định doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Theo Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg ngày 19/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ được xác định theo 4 tiêu chí sau:Ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng, năng suất, giá trị và hiệu quả cao, doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ đạt ít nhất 60% tổng doanh thu thuần hàng năm; có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ cao để sản xuất sản phẩm nông nghiệp; tổng chi cho hoạt động nghiên cứu đạt ít nhất 0,5%; số lao động có trình độ đại học trở lên trực tiếp nghiên cứu đạt ít nhất 2,5%; áp dụng các biện pháp thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/6/2018.
Nguồn: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/Default.aspx?tabid=91&ArticleID=3269&language=vi-VN