Ngày 20/11/2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp VCCI đã công bố Báo cáo Thực hiện Nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp – góc nhìn từ doanh nghiệp. Theo Báo cáo này, Thành lập doanh nghiệp được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là lĩnh vực có cải thiện tốt nhất trong quá trình triển khai Nghị quyết số 19/NĐ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35/NQ-CP về phát triển doanh nghiệp.
Báo cáo nói trên được thực hiện trên cơ sở phân tích dữ liệu thống kê từ các khảo sát doanh nghiệp của VCCI liên quan đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và một số ngành, lĩnh vực với quy mô trên 10.000 doanh nghiệp phản hồi và 36 cuộc phỏng vấn sâu tại 7 tỉnh, thành phố trên cả nước (bao gồm: Tuyên Quang, Bắc Ninh, Long An, Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Nội).
Mười một lĩnh vực được VCCI đưa vào đánh giá tại Báo cáo bao gồm: Thành lập doanh nghiệp; Tiếp cận điện năng; Đăng ký tài sản; Thực thi hợp đồng; Vay vốn, tín dụng; Bảo hiểm xã hội; Cấp phép xây dựng; TTHC thuế; Thủ tục xuất nhập khẩu; Bảo vệ nhà đầu tư; Phá sản doanh nghiệp.
Trong đó, Thành lập doanh nghiệp được đánh giá là lĩnh vực có sự cải thiện tốt nhất với 10% doanh nghiệp được khảo sát trả lời “Rất tốt” và 62% trả lời “Tốt”. Tiếp sau đó là lĩnh vực Tiếp cận điện năng với 7% doanh nghiệp trả lời “Rất tốt” và 62% trả lời “Tốt”. Trong khi đó, các lĩnh vực về Thủ tục xuất nhập khẩu, Bảo vệ nhà đầu tư và Phá sản doanh nghiệp được coi là không có cải thiện đáng kể.
Các tỉnh được được đánh giá tốt nhất về cải thiện chỉ số đăng ký kinh doanh gồm: Trà Vinh, Bạc Liêu, Đà Nẵng, An Giang, Bình Định, Long An, Phú Yên, Quảng Ninh, Tây Ninh. Một số doanh nghiệp khu vực miền Nam được hỏi cho biết trước đây, họ thường bị gây khó dễ, thậm chí vòi vĩnh khi làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh nhưng hiện tượng này hiện nay đã giảm. Dù vậy, vẫn còn tình trạng cứng nhắc khi một số cán bộ xử lý hồ sơ khiến doanh nghiệp mất thời gian như có doanh nghiệp lập biên bản họp không giống với thể thức văn bản đăng tải trên website của tỉnh thì bị yêu cầu làm lại.
Về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực Thành lập doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp có đánh giá như sau: 60% đánh giá ứng dung CNTT tốt; 76% đánh giá cán bộ nhiệt tình, thân thiện; 72% đánh giá cán bộ am hiểu chuyên môn; 89% đánh giá cán bộ hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng; 78% doanh nghiệp đánh giá thủ tục được niêm yết công khai và 13% trả lời là có thực hiện thủ tục ĐKDN trực tuyến.
Kết quả trung bình cộng cảm nhận của doanh nghiệp về 11 lĩnh vực nêu trên có thể cung cấp một thước đo sơ bộ về nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 19 tại địa phương. Theo đó, một số tỉnh, thành phố được cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đánh giá cao như Đồng Tháp, Đà Nẵng, Bình Định, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, An Giang, Long An. Khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp cảm nhận tích cực nhất là Đồng bằng Sông Cửu Long.
Hà Nội – Thực tiễn tốt trong cải thiện chỉ số gia nhập thị trường
Theo đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, trong nhiều năm, chỉ số gia nhập thị trường của Hà Nội nằm trong nhóm kém nhất cả nước. Nhận thức được tầm quan trọng của việc cải thiện chỉ số gia nhập thị trường trong mục tiêu thuận lợi hóa môi trường đầu tư kinh doanh, trong các năm 2017, 2018, Hà Nội bắt đầu triển khai nhiều giải pháp để đơn giản hóa TTHC về đăng ký kinh doanh và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, cụ thể: (i) rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ ĐKDN từ 03 ngày xuống còn 02 ngày; (ii) Phòng ĐKKD thực hiện việc công bố thông tin thay vì để doanh nghiệp tự làm; (iii) phối hợp với các ngân hàng để mở tài khoản cho doanh nghiệp; (iv) Phòng ĐKKD làm con dấu và công bố mẫu dấu thay vì để doanh nghiệp làm, đồng thời trả con dấu qua đường bưu điện; (v) hỗ trợ doanh nghiệp 100% lệ phí ĐKDN, chi phí làm con dấu, chi phí chuyển con dấu qua đường bưu điện; (vi) hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện TTHC trực tuyến. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã ban hành Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp và chuẩn bị ban hành Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Kết quả đánh giá của doanh nghiệp đối với thủ tục ĐKDN tại Hà Nội cho thấy: 50% nhận xét có ứng dụng CNTT tốt; 53% nhận xét cán bộ nhiệt tình, thân thiện; 57% nhận xét cán bộ am hiểu chuyên môn; 80% nhận xét cán bộ hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ; 67% nhận xét thủ tục được niêm yết công khai.
Nguồn: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/597/4872/thanh-lap-doanh-nghiep-duoc-cong-dong-doanh-nghiep-danh-gia-la-linh-vuc-co-cai-thien-tot-nhat-trong-thuc-hien-cac-nghi-quyet-ve-ca.aspx