I. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 4 năm 2017
Trong tháng 4 năm 2017, số doanh nghiệp được thành lập mới là 13.102 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 98.397 tỷ đồng, tăng 8,9% về số doanh nghiệp và giảm 17,1% về số vốn đăng ký so với tháng 3/2017. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 4 đạt 7,5 tỷ đồng, giảm 23,9% so với tháng trước.
Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 4 là 132.413 lao động, tăng 5,9% so với tháng trước.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 4 trên cả nước là 2.274 doanh nghiệp, tăng 75,7% so với tháng 3/2017.
Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 1.744 doanh nghiệp, tăng 24,0% so với tháng trước đó.
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 4.561 doanh nghiệp, tăng 43,2% so với tháng 3/2017.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong tháng 4 của cả nước là 789 doanh nghiệp, tăng 6,0% so với tháng 3/2017.
II. Tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2017
Trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 51.125 doanh nghiệp, trong đó: có 39.580 doanh nghiệp thành lập mới và 11.545 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
1. Tình hình doanh nghiệp thành lập mới của cả nước trong 4 tháng đầu năm 2017
– Về tình hình chung:
Trong 4 tháng đầu năm 2017, cả nước có thêm 39.580 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 369.635 tỷ đồng, tăng 14,0% về số doanh nghiệp và tăng 48,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái (So sánh 2016/2015: doanh nghiệp tăng 22,9%; vốn tăng 52,8%).
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 4 tháng qua là 825.332 tỷ đồng, bao gồm: tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 369.635 tỷ đồng và tổng số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn là 455.697 tỷ đồng.
Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2017 đạt 9,3 tỷ đồng, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng qua là 423.952 lao động, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Theo loại hình doanh nghiệp:
Về tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên 1 doanh nghiệp, thì trong 4 tháng đầu năm công ty cổ phần có tỷ trọng vốn đăng ký bình quân cao nhất là 25,2 tỷ đồng/doanh nghiệp; tiếp đến là công ty TNHH 2 thành viên là 7,7 tỷ đồng/doanh nghiệp; công ty TNHH 1 thành viên là 5,6 tỷ đồng/doanh nghiệp; công ty hợp danh là 1,5 tỷ đồng/doanh nghiệp và doanh nghiệp tư nhân là 1,4 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Bảng 1: Số doanh nghiệp, vốn, lao động đăng ký thành lập mới theo loại hình
– Theo vùng lãnh thổ:
Biểu đồ 1: Tình hình doanh nghiệp và vốn đăng ký thành lập mới theo vùng lãnh thổ
So sánh tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2017 phân theo vùng lãnh thổ tại Biểu đồ 1 cho thấy:
+ Về tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tất cả các vùng đều có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm ngoái, cụ thể: Trung du và miền núi phía Bắc có 1.724 doanh nghiệp, tăng 29,9%; Đồng bằng Sông Hồng có 12.028 doanh nghiệp, tăng 18,9%; Tây Nguyên có 1.021 doanh nghiệp, tăng 14,0%; Đồng bằng Sông Cửu Long có 2.888 doanh nghiệp, tăng 12,2%; Đông Nam Bộ có 16.546 doanh nghiệp, tăng 11,9% và Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 5.373 doanh nghiệp, tăng 7,1%.
+ Về tình hình vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới, thì tất cả các vùng cũng đều có số vốn đăng ký tăng so với cùng kỳ năm ngoái, bao gồm: vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đăng ký 53.302 tỷ đồng, tăng 117,4%; Tây Nguyên đăng ký 9.881 tỷ đồng, tăng 87,3%; Đông Nam Bộ đăng ký 170.049 tỷ đồng, tăng 52,9%; Đồng bằng Sông Cửu Long đăng ký là 24.080 tỷ đồng, tăng 35,2%; Đồng bằng Sông Hồng đăng ký 92.018 doanh nghiệp, tăng 26,3%; Trung du và miền núi phía Bắc đăng ký 20.305 tỷ đồng, tăng 22,6%.
Biểu đồ 2: Tình hình lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới theo vùng lãnh thổ
Thống kê tỷ lệ lao động tại Biểu đồ 2 cho thấy tình hình lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm chia theo vùng lãnh thổ tăng ở một số vùng so với cùng kỳ năm ngoái, cụ thể: khu vực Trung du và miền núi phía Bắc đăng ký 43.052 lao động, tăng 87,6%; tiếp đến là Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đăng ký 70.302 lao động, tăng 18,1%; Đồng bằng Sông Hồng đăng ký 141.265 lao động, tăng 8,7%; Tây Nguyên đăng ký 8.905 lao động, tăng 6,4%. Bên cạnh đó, so với cùng kỳ năm ngoái có 2 khu vực có số lao động giảm lần lượt là Đồng bằng Sông Cửu Long đăng ký 48.073 lao động, giảm 43,4% và Đông Nam Bộ đăng ký 112.355 lao động, giảm 7,4%.
– Theo lĩnh vực hoạt động:
So sánh tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2017 phân theo lĩnh vực hoạt động tại Biểu đồ 3 cho thấy:
+ Tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng ở một số ngành nghề so với cùng kỳ năm ngoái đó là: Thông tin và truyền thông đăng ký 998 doanh nghiệp, tăng 237,2%; Kinh doanh bất động sản đăng ký 1.391 doanh, tăng 66,0%; Sản xuất phân phối điện, nước, ga đăng ký 289 doanh nghiệp, tăng 34,4%; Giáo dục và đào tạo đăng ký 994 doanh nghiệp, tăng 30,4%;… chỉ có 2 ngành nghề là có số doanh nghiệp giảm đó là Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đăng ký 428 doanh nghiệp, giảm 53,2% và Vận tải kho bãi đăng ký 2.075 doanh nghiệp, giảm 0,2%.
+ Về tỷ lệ vốn đăng ký, thống kê cho thấy tỷ lệ vốn đăng ký giảm ở một số ngành so với cùng kỳ, cụ thể: Vận tải kho bãi đăng ký 9.040 tỷ đồng, giảm 13,5%; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đăng ký 7.056 tỷ đồng, giảm 12,9%; Hoạt động dịch vụ khác đăng ký 655 tỷđồng, giảm 12,4%; Sản xuất phân phối điện, nước, ga đăng ký 13.768 tỷđồng, giảm 3,2%. Các ngành còn lại đều có tỷ lệ vốn đăng ký tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Biểu đồ 3: Tình hình doanh nghiệp đăng ký thành lập mới theo lĩnh vực hoạt động
Trong 4 tháng đầu năm 2017, một số ngành, lĩnh vực thu hút nhiều số lao động gia nhập thị trường, gồm có: Công nghiệp chế biến, chế tạo là 181.924 lao động; Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy là 81.706 lao động; Xây dựng là 43.064 lao động; Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác với 27.012 lao động;…
2. Tình hình doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2017
– Về tình hình chung:
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2017 là 11.545 doanh nghiệp, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. (So sánh 2016/2015: doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 79,4%).
– Theo vùng lãnh thổ:
Bảng 2: Tình hình doanh nghiệp quay trở lại hoạt động theo vùng lãnh thổ
Trong 4 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động phân theo vùng lãnh thổ tăng ở một số vùng so với cùng kỳ năm ngoái, bao gồm: khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 1.970 doanh nghiệp, tăng 24,0%; Đồng bằng Sông Hồng với 3.315 doanh nghiệp, tăng 17,5%; Trung du và miền núi phía Bắc có 545 doanh nghiệp, tăng 2,1%; ngược lại, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có 944 doanh nghiệp, giảm 35,7%; Tây Nguyên có 373 doanh nghiệp, giảm 5,3% và Đông Nam Bộ với 4.398 doanh nghiệp, giảm 2,8%.
– Theo lĩnh vực hoạt động:
Bảng 3: Tình hình doanh nghiệp quay trở lại hoạt động theo lĩnh vực hoạt động
Qua số liệu tại Bảng 3 cho thấy tình hình doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm ở một số ngành tăng so với cùng kỳ năm ngoái, cụ thể: Hoạt động dịch vụ khác có 189 doanh nghiệp, tăng 23,5%; Kinh doanh bất động sản có 206 doanh nghiêp, tăng 17,0%; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 92 doanh nghiệp, tăng 12,2%;… Các ngành nghề còn lại có lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm so với cùng kỳ năm 2016.
3. Tình hình doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể trong 4 tháng đầu năm 2017
– Về tình hình chung:
+ Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 11.491doanh nghiệp, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái, số doanh nghiệp này sau khi kết thúc thời hạn tạm ngừng sẽ quay trở lại tình trạng hoạt động kinh doanh.
+ Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể của cả nước là 15.909 doanh nghiệp, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Theo loại hình doanh nghiệp:
+ Trong số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn có 4.691 công ty TNHH 1 thành viên chiếm 40,82%; có 3.734 công ty TNHH 2 thành viên chiếm 32,50%; có 1.141 doanh nghiệp tư nhân chiếm 9,93%; có 1.923 công ty cổ phần chiếm 16,73% và có 02 công ty hợp danh chiếm 0,02%.
+ Đối với doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể có 6.875 công ty TNHH 1 thành viên chiếm 43,21%; có 4.637 công ty TNHH 2 thành viên chiếm 29,15%; có 1.176 doanh nghiệp tư nhân chiếm 7,39% và có 3.221 công ty cổ phần chiếm 20,25%.
– Theo quy mô vốn:
Theo số liệu thống kê tại Bảng 4 cho thấy, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng chiếm 91,4% trên tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể. So sánh với cùng kỳ của năm ngoái thì số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ, tăng 0,17%.
Bảng 4: Số doanh nghiệp tạm ngừng theo quy mô vốn (Đơn vị: DN)
– Theo vùng lãnh thổ:
Qua số liệu tại Bảng 5 cho thấy, trong 4 tháng đầu năm hầu hết các vùng đều có số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể giảm so với cùng kỳ năm ngoái, bao gồm: Tây Nguyên có 439 doanh nghiệp, giảm 21,9%; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 1.511 doanh nghiệp, giảm 18,9%; Đồng bằng Sông Cửu Long có 1.084 doanh nghiệp, giảm 15,6%; Đông Nam Bộ có 6.980 doanh nghiệp, giảm 9,4% và Trung du và miền núi phía Bắc có 512 doanh nghiệp, giảm 2,7%; duy nhất, vùng Đồng bằng Sông Hồng có 5.383 doanh nghiệp, tăng 43,6%.
Bảng 5: Số doanh nghiệp tạm ngừng theo vùng lãnh thổ (Đơn vị: DN)
– Theo lĩnh vực hoạt động:
Theo số liệu thống kê tại Bảng 6, cho thấy trong 4 tháng đầu năm nay số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể tăng ở một số ngành nghề như: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 6.883 doanh nghiệp, tăng 22,1%; Giáo dục và đào tạo có 307 doanh nghiệp, tăng 10,0%; Kinh doanh bất động sản có 236 doanh nghiệp, tăng 8,8%; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 166 doanh nghiệp, tăng 4,4%; Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác có 835 doanh nghiệp, tăng 2,3% . Các ngành, nghề còn lại đều có số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể giảm so với cùng kỳ năm 2016.
Bảng 6: Số doanh nghiệp tạm ngừng theo lĩnh vực hoạt động (Đơn vị: DN)
3. Tình hình doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 4 tháng đầu năm 2017
– Về tình hình chung:
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 4 tháng đầu năm 2017 của cả nước là 4.057 doanh nghiệp, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái (So sánh 2016/2015: doanh nghiệp giải thể tăng 15,7%).
– Theo loại hình doanh nghiệp:
Trong tổng số doanh nghiệp giải thể của cả nước trong 4 tháng đầu năm có 1.604 công ty TNHH 1 thành viên chiếm 39,5%; có 1.203 công ty TNHH 2 thành viên chiếm 29,7%; có 727 doanh nghiệp tư nhân chiếm 17,9%; có 523 công ty cổ phần chiếm 12,9%.
– Theo quy mô vốn:
Trong 4 tháng đầu năm, theo số liệu tại Bảng 7 cho thấy số lượng doanh nghiệp giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký nhỏ dưới 10 tỷ đồng là 3.745 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 92,3% trên tổng số doanh nghiệp giải thể của cả nước, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bảng 7: Số doanh nghiệp giải thể theo quy mô vốn (Đơn vị: DN)
– Theo vùng lãnh thổ:
Bảng 8: Tình hình doanh nghiệp giải thể theo vùng lãnh thổ
Qua số liệu tại Bảng 8 cho thấy tình hình doanh nghiệp đăng ký giải thể trong 4 tháng đầu năm giảm ở 02 vùng so với cùng kỳ năm ngoái, cụ thể: Trung du và miền núi phía Bắc có 132 doanh nghiệp, giảm 25,8% và Đông Nam Bộ có 1.325 doanh nghiệp, giảm 22,1%. Các vùng lãnh thổ còn lại đều có lượng doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2016.
– Theo lĩnh vực hoạt động:
Bảng 9: Tình hình doanh nghiệp giải thể theo lĩnh vực hoạt động
Phân theo lĩnh vực hoạt động, trong 4 tháng đầu năm tại Bảng 9 cho thấy một số ngành có số doanh nghiệp giải thể giảm so với cùng kỳ năm ngoái, bao gồm: Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 32 doanh nghiệp, giảm 27,3%; Thông tin và truyền thông có 125 doanh nghiệp, giảm 17,8%; Hoạt động dịch vụ khác có 60 doanh nghiệp, giảm 7,7%; Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác có 187 doanh nghiệp, giảm 4,1%. Các ngành khác đều có số doanh nghiệp giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2016.
Nguyễn Thu Hà
(Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh)
https://dangkykinhdoanh.gov.vn/NewsandUpdates/tabid/91/ArticleID/2946/T%C3%8CNH-H%C3%8CNH-CHUNG-V%E1%BB%80-%C4%90%C4%82NG-K%C3%9D-DOANH-NGHI%E1%BB%86P-TH%C3%81NG-4-V%C3%80-4-TH%C3%81NG-%C4%90%E1%BA%A6U-N%C4%82M-2017.aspx