Trong tháng 7/2019, số doanh nghiệp thành lập mới là 12.352 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 139.200 tỷ đồng, tăng 9,7% về số doanh nghiệp và tăng 14,0% về số vốn so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 7 đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
1. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 07/2019
– Tình hình doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường:
Trong tháng 7/2019, số doanh nghiệp thành lập mới là 12.352 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 139.200 tỷ đồng, tăng 9,7% về số doanh nghiệp và tăng 14,0% về số vốn so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 7 đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7/2019 là 94.925 người, giảm 17,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 7/2019 trên cả nước là 2.690 doanh nghiệp, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường:
Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong tháng 7/2019 là 2.501 doanh nghiệp, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ hoàn thành thủ tục giải thể trong tháng 7/2019 là 2.471 doanh nghiệp, tăng 4,0% so với cùng kỳ năm 2018.
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong tháng 7/2019 là 1.434 doanh nghiệp, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2018.
– Tình hình doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký:
Số doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký trong tháng 07/2019 là 3.502 doanh nghiệp, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2018.
2. Tình hình đăng ký doanh nghiệp 07 tháng đầu năm 2019
2.1. Tình hình doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường
Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 07 tháng đầu năm 2019 là 103.599 doanh nghiệp (tăng 9,6% so với cùng kỳ 2018), bao gồm: 79.310 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 4,6%) và 24.289 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 29,9%). Trung bình mỗi tháng có 14.800 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.
a) Tình hình doanh nghiệp thành lập mới
– Tình hình chung:
Trong 7 tháng đầu năm 2019, cả nước có 79.310 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 999.395 tỷ đồng, tăng 4,6% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2019 đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2019 là 743.929 lao động, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2019 là 2.476.290 tỷ đồng (tăng 11,0% so với cùng kỳ năm 2018), bao gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 999.395 tỷ đồng (tăng 29,6%) và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp là 1.476.895 tỷ đồng (tăng 1,1%) với 23.176 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn.
– Phân theo lĩnh vực hoạt động:
Trong 07 tháng đầu năm 2019, các ngành kinh doanh chính đều có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng, ngoại trừ 02 ngành giảm là Dịch vụ lưu trú và ăn uống (có 3.759 doanh nghiệp mới, giảm 4,7%) và Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm xã hội (có 818 doanh nghiệp mới, giảm 19,2%).
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2019 vẫn tập trung chủ yếu ở ngành “Bán buôn; bán lẻ; sữa chữa ô tô, xe máy” với 25.820 doanh nghiệp (chiếm 32,6%) và số vốn đăng ký là 91.194 tỷ đồng (chiếm 9,1%), tăng 0,4% về số doanh nghiệp và giảm 19,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; tiếp đến là ngành “Xây dựng” có 10.271 doanh nghiệp (chiếm 13,0%) với số vốn đăng ký là 153.239 tỷ đồng (chiếm 15,3%), tăng 1,7% về số doanh nghiệp và tăng 38,7% về số vốn. Ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất là “Khai khoáng” với 395 doanh nghiệp (chiếm 0,5%) và số vốn đăng ký là 7.463 tỷ đồng (chiếm 0,7%), tăng 8,2% về số doanh nghiệp và tăng 31,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
“Kinh doanh bất động sản” có 4.754 doanh nghiệp thành lập mới (chiếm 6,0%) với số vốn đăng ký đạt cao nhất trong tất cả các ngành nghề kinh doanh chính là 318.400 tỷ đồng (chiếm 31,9%), tăng 22,1% về số doanh nghiệp và tăng 36,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Phân theo nhóm ngành:
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới các ngành, nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp và xây dựng[1] là 21.559 doanh nghiệp (chiếm 27,2%) với tổng số vốn đăng ký là 312.995 tỷ đồng (chiếm 31,3%), tăng 4,8% về số doanh nghiệp và tăng 33,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới của các ngành, nghề thuộc lĩnh vực dịch vụ[2] là 56.616 doanh nghiệp (chiếm 71,4%) với tổng số vốn đăng ký là 672.461 tỷ đồng (chiếm 67,3%), tăng 4,5% về số doanh nghiệp và tăng 30,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới thuộc lĩnh vực Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 1.135 doanh nghiệp (chiếm 1,4%) với tổng số vốn đăng ký là 13.939 tỷ đồng (chiếm 1,4%), tăng 7,7% về số doanh nghiệp và giảm 36,7% về số vốn đăng ký.
– Phân theo địa bàn:
Khu vực Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất với 33.149 doanh nghiệp (chiếm 41,8% cả nước) và số vốn đăng ký là 492.675 tỷ đồng (chiếm 49,3% cả nước), tăng 3,2% về số doanh nghiệp và tăng 38,1% về số vốn so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tại TP. Hồ Chí Minh có 25.175 doanh nghiệp (chiếm 75,9% của khu vực và chiếm 31,7% cả nước) với số vốn đăng ký là 412.805 tỷ đồng (chiếm 83,8% của khu vực và chiếm 41,3% cả nước), tăng 0,8% về số doanh nghiệp và tăng 42,1% về số vốn.
Tiếp đó là Đồng bằng Sông Hồng với 24.198 doanh nghiệp (chiếm 30,5% cả nước) và số vốn đăng ký là 280.371 tỷ đồng (chiếm 28,1% cả nước), tăng 7,2% về số doanh nghiệp và tăng 24,5% về số vốn. Trong đó, Thủ đô Hà Nội có 15.895 doanh nghiệp (chiếm 65,7% của khu vực và chiếm 20,0% cả nước) với số vốn đăng ký là 196.807 tỷ đồng (chiếm 70,2% của khu vực và chiếm 19,7% cả nước), tăng 9,5% về số doanh nghiệp và tăng 25,1% về số vốn đăng ký.
Tây Nguyên có số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất nhưng có sự gia tăng mạnh mẽ về số vốn đăng ký, cụ thể, có 2.032 doanh nghiệp (chiếm 2,6% cả nước) và số vốn đăng ký là 24.898 tỷ đồng (chiếm 2,5% cả nước), tăng 10,3% về số doanh nghiệp và tăng 107,7% về số vốn.
Trung du và miền núi phía Bắc là khu vực duy nhất có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm, cụ thể, có 3.084 doanh nghiệp (chiếm 3,9% cả nước) với số vốn đăng ký là 35.185 tỷ đồng (chiếm 3,5% cả nước), giảm 3,2% về số doanh nghiệp và tăng 22,6% về số vốn.
– Phân theo quy mô vốn:
Doanh nghiệp thành lập mới tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 70.336 doanh nghiệp (chiếm 88,7%, tăng 3,6% so với cùng kỳ 2018) và ít nhất là ở quy mô vốn từ 50 – 100 tỷ đồng với 1.062 doanh nghiệp (chiếm 1,3%, tăng 11,9%). Số lượng doanh nghiệp thành lập mới ở quy mô vốn trên 100 tỷ đồng là 1.138 doanh nghiệp (chiếm 1,4%, tăng 21,2%).
b) Tình hình doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
– Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 07 tháng đầu năm 2019 là 24.289 doanh nghiệp, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2018.
– Phân theo lĩnh vực hoạt động, trong 7 tháng đầu năm 2019, các lĩnh vực kinh doanh chính đều có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng, ngoại trừ lĩnh vực “Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản” có 380 doanh nghiệp, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lớn nhất là: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (có 9.228 doanh nghiệp, chiếm 38,0% tổng số, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2018); Xây dựng (có 3.716 doanh nghiệp, chiếm 15,3% tổng số, tăng 28,7%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (có 2.951 doanh nghiệp, chiếm 12,1%, tăng 18,6%).
– Phân theo địa bàn, trong 7 tháng đầu năm 2019, tất cả các vùng lãnh thổ đều có số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, các vùng lãnh thổ có số lượng doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng mạnh nhất là: Đồng bằng Sông Hồng (8.130 doanh nghiệp, tăng 48,8%), Trung du và miền núi phía Bắc (1.154 doanh nghiệp, tăng 47,2%), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (4.064 doanh nghiệp, tăng 38,8%).
– Phân theo quy mô vốn, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 7 tháng đầu năm 2019 tập trung chủ yếu ở quy mô vốn đăng ký từ 0-10 tỷ đồng với 21.599 doanh nghiệp (tăng 30,9%). Quy mô vốn từ 50 – 100 tỷ đồng và trên 100 tỷ đồng có lần lượt là 331 doanh nghiệp (tăng 22,1%) và 314 doanh nghiệp (tăng 24,6%) quay lại hoạt động.
2.2. Tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Trong 7 tháng đầu năm 2019, có 57.206 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 16,2% so với cùng kỳ 2018), bao gồm: 23.118 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 15,6%), 24.828 doanh nghiệp chờ giải thể (tăng 15,3%), 9.260 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 20,0%). Trung bình mỗi tháng có 8.172 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
a) Tình hình doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn
Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước trong 7 tháng đầu năm 2019 là 23.118 doanh nghiệp, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là những doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh dưới 01 năm với cơ quan đăng ký kinh doanh, sau khi kết thúc thời gian tạm ngừng có thể sẽ quay trở lại hoạt động kinh doanh.
Lý do doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động thường là để tái cơ cấu danh mục đầu tư hoặc tạm thời dừng trước khi tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Có nhiều doanh nghiệp sẽ quay trở lại hoạt động sau thời gian tạm ngừng kinh doanh. Tại các kỳ báo cáo, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thường tương đương hoặc cao hơn so với số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh.
Phân theo lĩnh vực hoạt động, các ngành kinh doanh chính đều có sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, ngoại trừ ngành Hoạt động dịch vụ khác. Các ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh cao nhất là: Bán buôn; bán lẻ; sữa chữa ô tô, xe máy (có 8.978 doanh nghiệp, chiếm 38,8% tổng số, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2018); Xây dựng (có 3.357 doanh nghiệp, chiếm 14,5% tổng số, tăng 11,1%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (có 2.945 doanh nghiệp, chiếm 12,7% tổng số, tăng 18,0%). Các lĩnh vực có tỷ lệ tăng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh cao nhất là Kinh doanh bất động sản (có 467 doanh nghiệp, tăng 65,0%), Sản xuất, phân phối điện, nước, gas (có 138 doanh nghiệp, tăng 46,8%), Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (có 214 doanh nghiệp, tăng 46,6%).
Phân theo địa bàn, tất cả các vùng lãnh thổ đều có sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh. Trong đó, Đồng bằng Sông Hồng có số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh cao nhất (8.006 doanh nghiệp, chiếm 34,6% cả nước, tăng 17,9%); tiếp đến là Đông Nam Bộ (7.676 doanh nghiệp, chiếm 33,2% cả nước, tăng 17,4%).
b) Tình hình doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ hoàn thành thủ tục giải thể
Trong 7 tháng đầu năm 2019, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ hoàn thành thủ tục giải thể là 24.828 doanh nghiệp, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 11.761 doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; 7.609 doanh nghiệp đăng thông báo giải thể và 5.458 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế.
c) Tình hình doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể
Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 7 tháng đầu năm 2019 là 9.260 doanh nghiệp, tăng 20,0% so với cùng kỳ năm 2018.
Số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy (3.769 doanh nghiệp, chiếm 45,6% tổng số, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2018); Công nghiệp chế biến, chế tạo (1.000 doanh nghiệp, chiếm 10,8% tổng số, giảm 7,2%); Xây dựng (có 926 doanh nghiệp, chiếm 10% tổng số, tăng 16,9%).
Trong 7 tháng đầu năm 2019, các vùng lãnh thổ đều có số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng so với cùng kỳ năm 2018, ngoại trừ vùng Trung du và miền núi phía Bắc (có 489 doanh nghiệp, giảm 3,0%). Vùng Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp giải thể lớn nhất (3.488 doanh nghiệp, tăng 18,9%); tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Hồng (1.860 doanh nghiệp, tăng 3,1%). Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có tỷ lệ tăng cao nhất về số lượng doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (1.745 doanh nghiệp, tăng 59,9%).
2.3. Tình hình doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký
Trong 7 tháng đầu năm 2019, có 21.017 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là những doanh nghiệp không còn kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, qua kiểm tra của cơ quan thuế thì không tìm thấy và không liên lạc được. Danh sách này được xác định trên cơ sở thống nhất giữa cơ quan đăng ký kinh doanh với cơ quan thuế theo Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 23/02/2016 của Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính. Số lượng doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký cho thấy ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp chưa cao; hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập vẫn còn hạn chế. Những doanh nghiệp không được tìm thấy tại địa chỉ đã đăng ký có thể đã rút lui khỏi thị trường hoặc đang hoạt động tại địa chỉ khác mà không đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.
Hiện nay, tình trạng doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký xuất hiện nhiều ở các tỉnh/thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai. Cụ thể, một số tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có số lượng doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký lớn nhất là: Hà Nội (có 5.304 doanh nghiệp, chiếm 25,2% cả nước), TP Hồ Chí Minh (có 5.093 doanh nghiệp, chiếm 24,2%), Thanh Hóa (có 1.115 doanh nghiệp, chiếm 5,3%), Hải Phòng (có 813 doanh nghiệp, chiếm 3,9%), Đồng Nai (có 685 doanh nghiệp, chiếm 3,2%), Bình Dương (632 doanh nghiệp, chiếm 3,0%).
Các lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký lớn nhất là: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (có 7.259 doanh nghiệp, chiếm 34,5%); Xây dựng (3.216 doanh nghiệp, chiếm 15,3%); Công nghiệp chế biến, chế tạo (2.483 doanh nghiệp, chiếm 11,8%); Dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc, thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (1.229 doanh nghiệp, chiếm 5,9%); Khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (941 doanh nghiệp, chiếm 5,8%) .
[1] Bao gồm: Khai khoáng; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Sản xuất và phân phối điện, nước, gas; Xây dựng
[2] Bao gồm: Bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác; Giáo dục và đào tạo; Hoạt động dịch vụ khác; Khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế; quảng cáo và chuyên môn khác; Kinh doanh bất động sản; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí; Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; Thông tin và truyền thông; Vận tải kho bãi; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội.
Nguồn: dangkykinhdoanh.gov.vn